Lính biên phòng học tiếng đồng bào

LCĐT - Nỗ lực học tiếng đồng bào để vượt qua trở ngại ngôn ngữ, những người lính mang quân hàm xanh trên biên giới Lào Cai đã đến gần hơn với người dân, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân.

Lính biên phòng học tiếng đồng bào ảnh 1

Nhờ biết tiếng dân tộc, Thiếu tá Đinh Hồ Bắc (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới thuận lợi.

Cán bộ biên phòng biết 7 thứ tiếng

“Người cán bộ biên phòng sống ở nơi đồng bào dân tộc trước hết phải nghe được dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin”, Thiếu tá Đinh Hồ Bắc, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Si Ma Cai tâm sự như vậy khi chúng tôi hỏi về động lực khiến anh có thể học và nói giỏi nhiều ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới.

Ngày mới tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ biên phòng, Bắc được phân công công tác ở Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát). Bà con đa số là người dân tộc thiểu số, biết tiếng phổ thông ít. Nếu không hiểu được bà con nói và nói cho bà con hiểu thì không thể thực hiện được nhiệm vụ. Thiếu tá Bắc nhớ mãi người đầu tiên dạy tiếng Mông cho anh là Lầu A Chao - người dân tộc Mông ở xã Ngải Thầu di dân ra biên giới A Mú Sung sinh sống. Ngày đầu mới định cư ở A Mú Sung còn nhiều khó khăn, Chao thường xuyên ra tổ công tác biên phòng nói chuyện bày tỏ nguyện vọng được cán bộ giúp đỡ để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Quý mến tinh thần học hỏi, nỗ lực vượt khó của Lầu A Chao, anh Bắc nhiều lần mời Chao ở lại ăn cơm. Trò chuyện nhiều, hai người thân thiết như anh em. Khi anh Bắc bày tỏ mong muốn học tiếng Mông, Chao mừng rỡ và nhận sẽ dạy anh khi nào nói bằng được mới thôi.

Những ngày gia đình Chao và các hộ từ Ngải Thầu mới di dân ra đây xây dựng cuộc sống mới, Bắc cùng cán bộ, chiến sỹ tổ công tác xắn tay cùng bà con cấy lúa, trồng ngô, trồng chuối… Vừa lao động, anh vừa học tiếng của đồng bào, từ nói những câu ngắn, đơn giản, dần dần anh có thể diễn đạt được nhiều hơn và cũng nghe được đồng bào nói nhiều hơn. Không chỉ dạy anh biết tiếng, Chao còn nói cho anh nghe nhiều về phong tục, tập quán và văn hóa của người Mông, bởi thế từ chỗ học để phục vụ nhiệm vụ công tác, anh Bắc thấy yêu thích và thú vị với ngôn ngữ của đồng bào. Khi người sỹ quan biên phòng ấy có thể trò chuyện với Lầu A Chao bằng tiếng Mông thì cũng là lúc đời sống của 10 hộ di cư từ Ngải Thầu ra biên giới A Mú Sung từng bước ổn định, Lầu A Chao nhận anh là anh em kết nghĩa.

Sau đó, rời Đồn Biên phòng A Mú Sung đến nhận công tác tại Đồn Biên phòng Trịnh Tường (Bát Xát), địa bàn có đông đồng bào dân tộc Giáy, anh quyết tâm học bằng được tiếng Giáy. Cứ như thế, khi nhận công tác ở bất cứ địa bàn biên giới có đồng bao dân tộc nào sinh sống, Thiếu tá Bắc tự đặt cho mình nhiệm vụ đầu tiên là phải học được tiếng của người dân địa phương. Ngay cả thời gian anh được cấp trên luân chuyển vào công tác tại biên giới Tây Nam của Tổ quốc, anh cũng tranh thủ học thêm được tiếng Khơ Me. Tuyến biên giới Lào Cai giáp với Trung Quốc nên Thiếu tá Bắc còn nhờ người lớn tuổi trong bản dạy tiếng Quan Hỏa. Thế nên ngoài thuần thục tiếng các dân tộc: Mông, Dao, Giáy, Nùng, Thu Lao, Khơ Me, anh còn nói được một ít tiếng Quan Hỏa.

Nhờ giỏi tiếng đồng bào, anh chiếm được thiện cảm lớn với người dân bản địa, các thông tin về tội phạm, chủ quyền an ninh biên giới, hoạt động địa phương, bà con đều gọi. Người dân còn tin tưởng, nghe theo bộ đội biên phòng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật bảo vệ biên giới, nỗ lực phát triển kinh tế tại địa phương, không rời bỏ quê hương sang bên kia biên giới làm thuê.

Thiếu tá Bắc chia sẻ, với nhiệm vụ là cán bộ vận động quần chúng, ở bản nhiều hơn ở đơn vị, nếu không biết tiếng thì giao tiếp vô cùng khó khăn. Nói được tiếng của bà con khiến mình và người dân gần gũi với nhau hơn, mình làm gì cũng dễ. Khu vực đường biên, cột mốc có gì bất thường là bà con báo ngay cho cán bộ biên phòng.

Đại úy Lèng Văn Trai, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Si Ma Cai nhấn thêm: Nhờ biết tiếng dân tộc, công tác biên phòng cũng như triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc thuận lợi hơn, góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị.

Lính biên phòng học tiếng đồng bào ảnh 2

Trung tá Hà Trung Kiên trò chuyện với gia đình ông Sùng Seo Pao, thôn Lũng Pô.

Học để gần dân

Thấy Trung tá Hà Trung Kiên, cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung đến thăm, ông Sùng Seo Pao, thôn Lũng Pô tay bắt mặt mừng như người thân trong gia đình. Ông hỏi thăm sức khỏe và kể chuyện gia đình rồi chuyện trong thôn. Trung tá Kiên đáp lại bằng vốn tiếng Mông của mình khiến những ai mới lần đầu nghe không khỏi ngạc nhiên bởi anh nói giống giọng của đồng bào từng tiếng luyến láy.

Trước khi về công tác ở Đồn Biên phòng A Mú Sung, Hà Trung Kiên đã từng nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Y Tý (Bát Xát) và Đồn Biên phòng Nậm Chảy (Mường Khương). Công tác ở địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phải thường xuyên đi thôn, bản tiếp xúc với người dân, không biết tiếng đồng bào thì rất khó khăn, vì vậy những ngày ở bản, anh Kiên kiên trì học tiếng của đồng bào. Cùng lúc anh học tiếng Mông, tiếng Hà Nhì, tiếng Dao. Mỗi lúc chỉ học một vài từ thường dùng trong sinh hoạt, sau dần phát triển ra các từ nghiệp vụ biên phòng. Anh bảo, khi mình học được nguyên tắc rồi thì học thêm vốn từ rất nhanh. Chỉ sau hơn một năm anh đã có thể nói thuần thục tiếng Mông như người địa phương, còn tiếng Hà Nhì, tiếng Dao cũng có đủ vốn từ để trò chuyện với đồng bào.

Anh chia sẻ, ngày đầu mới học có những dịp xuống bản dự lễ, tết hoặc cuộc vui của đồng bào, mình ngồi với bà con biết được từ nào thì cố gắng vận dụng để nói, có những ý không diễn tả được phải giải thích nhiều, rồi bà con hỏi đi hỏi lại, cứ thế vốn từ tự nhiên tăng lên. Giờ đây khi xuống thôn, bản, việc nói tiếng đồng bào trở thành phản xạ tự nhiên.

Ở Đồn Biên phòng Mường Khương, chúng tôi được giới thiệu Đại úy Lê Minh Tài, quê Nam Định, cán bộ tổ công tác Dê Chú Thàng, thị trấn Mường Khương là người “nói tiếng Mông như gió”. Đại úy Tài cười bảo, có lẽ mình sống với đồng bào nhiều nên ngấm tiếng đồng bào vào người. Không chỉ nói giỏi tiếng Mông, Đại úy Tài còn nói được cả tiếng Tày, tiếng Nùng. Bởi vậy, ở  địa bàn mà anh từng công tác, từ vùng cao Tả Gia Khâu đến Nậm Chảy và hiện nay là thị trấn Mường Khương, bà con nơi đây quý anh như người thân trong gia đình.

Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Nghiệp vụ biên phòng, anh Tài lên nhận công tác ở Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu. Anh nhớ lại ngày ấy biên giới nơi đây vừa lặng tiếng súng được mấy năm, đời sống người dân vô cùng khó khăn, hạ tầng hầu như chưa có gì. Người lính biên phòng cùng “chung lưng đấu cật” với người dân nơi đây bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Địa bàn khó khăn, lực lượng biên phòng mỏng, vì vậy muốn nắm tình hình không có cách nào khác là phải dựa vào dân. Nhưng ngày đó, một số người dân chưa tin tưởng vào cán bộ; phụ nữ, trẻ nhỏ thấy cán bộ biên phòng đến thôn thì trốn biệt.

Thường xuyên xuống cơ sở nắm địa bàn, anh Tài nhận ra nguyên nhân sâu xa không có gì khác là do bất đồng ngôn ngữ, dân không hiểu cán bộ nói gì, cán bộ cũng không hiểu dân nói gì thì làm sao gần gũi nhau được. Vì vậy, anh quyết tâm học bằng được ngôn ngữ của bà con. Những ngày bám thôn, bản, anh tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, vừa giúp đỡ người dân lao động, sản xuất, vừa hỏi những từ đơn giản. Anh học bằng niềm say mê lạ thường và khi có thể nghe được chia sẻ của người dân, anh càng thương bà con vô cùng, từ đó lại thôi thúc anh phải học, học nhiều nữa để hiểu dân hơn. Có những từ khó, anh nhẩm đi nhẩm lại cả ngày, đến khi đi nằm ngủ vẫn ngẫm nghĩ để nói cho bằng được…

Anh kể câu chuyện vui hồi ấy trong quá trình bám nắm thôn, bản có tình cảm với một cô gái người Mông. Hai người thống nhất với nhau, khi trò chuyện mình nói tiếng Mông, còn cô gái ấy nói tiếng phổ thông để cả hai cùng học ngôn ngữ. Khi nói được tiếng của đồng bào, ban đầu chỉ là những câu chào hỏi, sau rồi hỏi đến chuyện làm ăn, anh Tài nhận thấy một sự thay đổi lớn trong ánh mắt của người dân nơi đây với mình, từ chỗ xa lánh thì nay gần gũi và thiện cảm hơn. Anh kể có lần đi tuần tra, trời tối, trong cái lạnh tê buốt, khi đi qua một nhà dân vẫn còn ánh lửa, một cụ già đang ngồi sưởi ấm vẫy anh vào. Tưởng có chuyện gì khó khăn cần giúp đỡ, anh bước vào thì bà cụ đưa cho một củ khoai nướng bảo ăn đi cho ấm. Cầm củ khoai mà trong anh dâng lên niềm xúc động khôn tả. Anh bảo, tình cảm ấy bà con dành cho mình dẫu có bao nhiêu thứ vật chất quý giá cũng không đổi được.

Nói được tiếng đồng bào giúp công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ biên phòng hiệu quả hơn. Đại úy Tài chia sẻ, muốn tuyên truyền, triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân thì phải biết tiếng của đồng bào. Tuyên truyền đến người dân mà sử dụng ngôn ngữ của đồng bào thì sẽ tạo được niềm tin với bà con và giúp họ dễ tiếp thu, dễ hiểu và đạt được hiệu quả.

Nhờ những cán bộ thông thạo tiếng dân tộc, nắm vững địa bàn, các đồn biên phòng trên biên giới Lào Cai đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân không tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép… kịp thời giải quyết những vụ việc phức tạp xảy ra, không để hình thành điểm nóng ở khu vực biên giới. Rồi tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo các ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động bà con thực hiện kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm mùa hè

Thông tin mới nhất từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có khoảng gần 700 người bị ngộ độc thực phẩm trong quý I/2024. Ngoài các nguyên nhân khách quan, nguy cơ ngộ độc đến từ việc ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm.

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Huyện Bảo Thắng: Gần 20 nghìn học sinh được hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước

Chiều 16/4, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Hội nghị chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, an toàn trường học; phòng chống đuối nước và tệ nạn xã hội trong trường học với sự tham gia của gần 20 nghìn học sinh (từ lớp 4 đến lớp 12) tại 300 điểm cầu thuộc 73 trường phổ thông trên địa bàn huyện.

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Đào tạo chuyên gia an ninh mạng theo hướng thực chiến

Nhằm giải cơn khát thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực an toàn thông tin, Hệ thống Đào tạo công nghệ thông tin Quốc tế Bachkhoa-Aptech vừa công bố các chương trình đào tạo nhân lực theo hướng thực chiến với thời gian đào tạo từ 4 tháng đến 2 năm.

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Vì sao phải đổi tên thành thẻ căn cước?

Khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành thẻ căn cước để phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhân dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới...

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Rà soát, bố trí điểm dừng nghỉ tạm trên các tuyến cao tốc

Ngày 15/4, Bộ Giao thông vận tải đã có công điện yêu cầu các đơn vị, cơ quan trực thuộc có các giải pháp hiệu quả thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè.

fb yt zl tw